Viêm tai giữa ở trẻ em là bệnh thường gặp nếu phát hiện sớm có thể chữa khỏi dễ dàng khi bé mới bắt đầu bị bệnh. Khi viêm tai giữa cấp nặng nếu không chữa trị kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như bị điếc tai, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Các cha mẹ hãy cùng Chamenuoicon.com tìm hiểu về nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh viêm tai giữa kịp thời cho bé:
Mục lục
Nguyên nhân viêm tai giữa ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm tai giữa ở trẻ em, nhưng thường là do một số yếu tố sau:
- Trẻ em thường bị viêm mũi họng, các vi khuẩn sẽ từ các ổ viêm mũi họng này lây lan lên tai gây ra bệnh viêm tai giữa.
- Do cấu tạo vòi nhĩ ở trẻ em ngắn, khẩu kính to hơn so với người lớn nên các vi khuẩn cũng sẽ dễ dàng lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa và khóc.
- Do hệ thống niêm mạc đường hô hấp của trẻ nhạy cảm, dễ tiết dịch do phản ứng với các kích thích làm ứ dịch nhiều trong hòm tai gây ra tình trạng viêm tai giữa.
- Do các mẹ làm nước đọng trong tai bé khi tắm cũng có khả năng gây ra bệnh.
Dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ em
Khi bé bị viêm tai giữa bé sẽ cảm thấy rất khó chịu, các mẹ cần chú ý đến một số dấu hiệu sau để phát hiện sớm bệnh viêm tai giữa ở trẻ em:
Đối với trẻ sơ sinh
Thường bệnh biểu hiện không rõ ràng, thường xuyên quấy khóc, bú kém hay bỏ bú mẹ. Khi đau tai bé chỉ biết khóc, lắc đầu và lấy tay dụi vào tai liên tục.
Đối với trẻ lớn hơn
thì bé bị sốt (có kèm hoặc không kèm theo viêm hô hấp trên). Bé đau tai nhất là khi nằm xuống, sốt, nhức đầu, khó nghe hoặc phản ứng với âm thanh, khó ngủ và cáu kỉnh hởn bình thường, thoát dịch chất lỏng từ tai…
Lưu ý
Khi trẻ bị sốt không rõ nguyên nhân, những trẻ nhỏ bị tiêu chảy và nôn… các mẹ đều phải đưa bé đi khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh viêm tai giữa ở trẻ em.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh viêm tai giữa ở trẻ sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau:
- Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.
- Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.
- Trẻ không kêu đau tai nữa.
Nhưng các bà mẹ tưởng chừng như bệnh đã lui nhưng thực ra viêm tai giữa đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn mạn tính, với dấu hiệu rất quan trọng: chảy mủ tai.
Nếu vẫn không được điều trị bệnh sẽ diễn biến thành viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai – xương chũm mạn tính, dẫn đến rất nhiều hậu quả xấu sau này cho trẻ, cùng với nguy cơ biến chứng có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào.
Cách chữa trị bệnh viêm tai giữa
Việc chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa ở trẻ em nhất thiết phải do các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng có kinh nghiệm tiến hành.
Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà có cách điều trị khác nhau:
Giai đoạn đầu khi trẻ bị viêm tai giữa
Ở giai đoạn đầu bệnh viêm tai giữa ở trẻ em thường phải dùng kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, chống viêm và giảm xung huyết màng nhĩ, sát trùng mũi họng. Ngoài ra nếu trẻ bị rối loạn tiêu hóa nặng thì cần được phối hợp điều trị bởi các thầy thuốc nhi khoa.
Nếu khám thấy màng nhĩ viêm đỏ, phồng, chứng tỏ có nhiều dịch viêm ứ đọng ở hòm tai thì phải chích rạch màng nhĩ, chủ động tháo bỏ dịch mủ trong tai giữa ra ngoài, không nên để cho mủ tự vỡ, làm thủng màng nhĩ hoặc lan vào xương chũm.
Nên điều trị xử lý triệt để các bệnh liên quan vùng mũi họng như: Viêm amidan, viêm họng, nhiệt miệng, viêm mũi, viêm xoang, viêm quanh răng….
Giai đoạn muộn, màng nhĩ đã thủng
Ngoài các thuốc điều trị toàn thân, cần phải tiến hành làm thuốc tai hàng ngày tại các cơ sở tai mũi họng. Trẻ bị viêm tai giữa sau đó phải được theo dõi tình hình lỗ thủng màng nhĩ bởi các thầy thuốc chuyên khoa.
Phòng chữa bệnh viêm tai giữa
– Cần phát hiện và điều trị những bệnh thường gặp vùng mũi họng càng sớm càng tốt. Khi chảy mủ tai cần khám chuyên khoa tai mũi họng ngay, để điều trị kịp thời tránh biến chứng.
– Khi trẻ em bị cảm cúm, nhiễm siêu vi phải theo dõi sát tình trạng viêm tai giữa, tích cực điều trị viêm mũi họng, vệ sinh mũi thông thoáng, sạch.
– Sau khi cho trẻ đi tắm hồ bơi, biển phải vệ sinh vùng mũi họng bằng nước muối sinh lý.
– Không nên tự ý nhỏ thuốc không theo đơn chỉ định của bác sĩ hay thổi thuốc không rõ nguồn gốc vào tai trẻ.
– Ngoài ra, có thể chủng ngừa vi khuẩn phế cầu, Streptococcus pneumoniae (vi khuẩn thường gặp nhất trong viêm tai giữa).
– Trẻ quá nhỏ không cho bú bình ở tư thế nằm vì như vậy sữa có thể vào tai giữa qua vòi nhĩ.
– Cải thiện điều kiện vệ sinh ăn ngủ, môi trường, sân chơi cho bé, nhà ở sạch sẽ.
Chúc các bé sức khỏe!